Sau năm 2022 chỉ hoàn thành 10,5% kế hoạch lợi nhuận, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG – sàn HoSE) tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng trong năm 2023.
Cụ thể, DIC Corp vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội dự kiến tổ chức ngày 28/6 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong năm 2023, DIC Corp đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, tăng 98,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế dự kiến 1.400 tỷ đồng, tăng 604,3% so với cùng kỳ; và kế hoạch vốn đầu tư là 4.138 tỷ đồng.
DIC Corp dự báo năm 2023 là một năm tiếp tục nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trong đó, hành trình để đáp ứng đủ điều kiện được giao đất, huy động vốn và bán hàng rất gian nan, mất nhiều thời gian, theo đó chủ đầu tư phải có năng lực tài chính mạnh, phải bỏ ra nguồn tiền đáng kể mới có thể được bán hàng để tái đầu tư. Trong khi đó, sức mua bất động sản năm 2023 được đánh giá là rất yếu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Năm 2022 chỉ hoàn thành 10,5% kế hoạch lợi nhuận và không huy động được vốn
Được biết, trong năm 2022, DIC Corp ghi nhận doanh thu đạt 1.896,7 tỷ đồng, giảm 26,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ghi nhận 198,8 tỷ đồng, giảm 84,5% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 10,5% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lợi nhuận 1.900 tỷ đồng).
Điểm đáng lưu ý, trong năm 2022, DIC Corp lên kế hoạch huy động 5.693,9 tỷ đồng nhưng thực tế huy động được 0 tỷ đồng. Trong đó, phương án phát hành 3.000 tỷ đồng (điều chỉnh giảm về 1.500 tỷ đồng) cho cổ đông hiện hữu bị hủy; phương án phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu vẫn chưa thực hiện; và hạn mức huy động vốn 1.693,9 tỷ đồng nhưng chưa thực hiện.
Về kế hoạch đầu tư, trong năm 2022, DIC Corp đã đầu tư 3.473,5 tỷ đồng trên kế hoạch 11.739,8 tỷ đồng, đạt 29,6% so với kế hoạch. Trong đó, dự án Khu trung tâm Chí Linh giải ngân 111,22 tỷ đồng, đạt 12,9% so với kế hoạch; dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu giải ngân 292,65 tỷ đồng, đạt 17% so với kế hoạch; dự án Khu đô thị Du lịch Long Tân giải ngân 883,35 tỷ đồng, đạt 43,6% kế hoạch; dự án A4 + A5 giải ngân 3,11 tỷ đồng, đạt 5,6% so với kế hoạch; dự án Khu phức hợp CSJ giải ngân 56,44 tỷ đồng, đạt 11% so với kế hoạch; dự án Khu dân cư Hiệp Phước giải ngân 32,29 tỷ đồng, đạt 40,2% so với kế hoạch; dự án Khu đô thị Du lịch sinh thái Đại Phước giải ngân 11,24 tỷ đồng, đạt 29,2% so với kế hoạch; dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên giải ngân 301,79 tỷ đồng, đạt 20,2% so với kế hoạch; dự án Khu nhà ở Lam Hạ Center Point giải ngân 30,49 tỷ đồng, đạt 3,2% so với kế hoạch; dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh giải ngân 304,12 tỷ đồng, đạt 37,7% so với kế hoạch…
Như vậy, hầu như các dự án của DIC Corp đều giải ngân chậm hơn so với kế hoạch, lý giải cho việc này, Công ty cho rằng khó khăn công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa nộp tiền sử dụng đất các dự án, chưa thực hiện đấu giá dự án Nghinh Phong và Bến Đình… Ngoài ra, bước sang quý III/2022, các kênh huy động vốn khó khăn, lãi suất tăng cao, nên công tác giải ngân đầu tư các dự án bị hạn chế, tập trung ưu tiên giải ngân các dự án trọng điểm.
Về cổ tức, năm 2022, DIC Corp trình cổ đông không trả cổ tức (kế hoạch cổ tức năm 2022 là 22% đến 25%) và bước sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến từ 8% đến 15%.
Về kế hoạch huy động vốn trong năm 2023, hạn mức dự kiến 2.187,7 tỷ đồng. Trong đó, 1.043,8 tỷ đồng dự án chung cư DIC Emera (A5) – Khu trung tâm Chí Linh; 430 tỷ đồng nhà ở xã hội thuộc KĐTM Nam Vĩnh Yên; 423,9 tỷ đồng dự án Khu phức hợp Cap Saint Jacques; và 290 tỷ đồng dự án khách sạn và hội nghị DIC Star Vị Thanh.
Ngoài ra, DIC Corp cũng lên kế hoạch huy động vốn bổ sung nhu cầu nhưng tùy thuộc vào tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý và sự hồi phục của thị trường bất động sản.
Dự án Chí Linh đội vốn thêm 8.510,9 tỷ đồng
Một nội dung đáng chú ý khác, DIC Corp trình cổ đông kế hoạch điều chỉnh dự án Khu trung tâm Chí Linh với tổng vốn đầu tư là 9.624,3 tỷ đồng, tăng 7,64 lần so với kế hoạch ban đầu, tương ứng tăng thêm 8.510,9 tỷ đồng (kế hoạch ban đầu 1.113,36 tỷ đồng).
DIC Corp cho biết dự án thực tế sẽ không hoàn thành trong năm 2023 như kế hoạch, vì vậy sẽ điều chỉnh vốn đầu tư. Trong đó, dự án Chí Linh đã đền bù, giải phóng mặt bằng đạt tỷ lệ 77% tổng diện tích và tổng diện tích là 99,7ha.
Cổ đông phân tán trước thềm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023
Với tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài ngày một tăng cao khi cổ đông lớn liên tục thoái ra và gia đình Chủ tịch bị bán giải chấp cuối năm 2022. Cụ thể, đỉnh điểm ngày 31/12/2020, DIC Corp có 4 cổ đông lớn là Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn sở hữu 9,86% vốn điều lệ; con trai Chủ tịch Nguyễn Hùng Cường sở hữu 8,71% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân sở hữu 20,45% vốn điều lệ; CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam sở hữu 21,25% vốn điều lệ; và còn lại bên ngoài là 39,73% vốn điều lệ. Tuy nhiên, việc gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn bị bán giải chấp cuối năm 2022, cộng với hai cổ đông lớn là Thiên Tân và Địa ốc Him Lam thoái vốn xuống dưới 5% vốn điều lệ, tỷ lệ trôi nổi bên ngoài hiện tại lên tới 82,69% vốn điều lệ.
Còn nhớ, ngày 14/9/2022, DIC Corp đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường về điều chỉnh phương án chào bán cổ phiếu nhưng do tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi quá lớn, Công ty đã không tổ chức Đại hội thành công do tỷ lệ tham dự dưới 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/5, cổ phiếu DIG tăng 400 đồng lên 21.350 đồng/cổ phiếu.